Năng lực sức khỏe có lẽ xuất hiện đầu tiên với các tác giả ở Hà Nội, Hải Phòng (Tạp chí Y tế công cộng 3, .2016, Số 40; Tạp chí YHDP; Tập 29, số 1 2019;..); phía nam có Trình độ dân trí về y tế của trang web Sở Y tế TP Hồ Chí Minh trong bài viết “Vận dụng 23 giải pháp can thiệp và áp dụng đa phương thức trong nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ người dân”, hay là Hiểu biết về sức khỏe của tác giả Hải Dương - bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Hiểu biết y tế của Nhóm Hỗ trợ bệnh nhân ung thư Dự án Y học cộng đồng và Văn hóa sức khỏe của một số tác giả khác như PGS. TS Võ Văn Thắng (https://husta.org)... Chúng ta tạm thời dịch Hiểu biết sức khỏe cho từ Health Literacy, như là cách hiểu đây là một năng lực hiểu biết về sức khỏe dần hình thành văn hóa sức khỏe!
Vậy Hiểu biết sức khỏe là gì?
Hiểu biết sức khỏe (HBSK) được nhắc đến khi thực hiện việc giáo dục sức khỏe tại Hoa Kỳ từ những năm 1970 và được chú ý nhiều hơn từ những năm 1990 với định nghĩa của Viện Y học (Institute of Medicine) – Healthy People 2010 và Healthy People 2020: “Hiểu biết sức khỏe là mức năng lực của mỗi cá nhân về đánh giá, phân tích và hiểu các thông tin và dịch vụ y tế cơ bản cần thiết để đưa ra quyết định thích hợp về sức khỏe của bản thân”. Đó cũng là định nghĩa của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, hiểu biết về sức khỏe là khả năng “thu thập, giao tiếp, xử lý và hiểu thông tin và dịch vụ y tế cơ bản”. Nói một cách dễ hiểu, “hiểu biết sức khỏe” là biết cách nhận được sự chăm sóc sức khỏe mà chúng ta cần.
Tháng 8/2020, với sáng kiến Healthy People 2030 của chính quyền Hoa Kỳ, định nghĩa HBSK được cập nhật với hai khái niệm: HBSK của cá nhân (Personal Health Literacy) và HBSK của tổ chức (Organisational Health Literacy):
- Hiểu biết sức khỏe cá nhân: Mức độ mà các cá nhân có thể tìm, hiểu và sử dụng thông tin và dịch vụ để cung cấp thông tin về các quyết định và hành động liên quan đến sức khỏe cho bản thân và những người khác. Nói một cách dễ hiểu, “hiểu biết về sức khỏe” có nghĩa là ai đó (với nghĩa là mọi người) biết cách nhận được sự chăm sóc sức khỏe mà họ cần.
- Hiểu biết sức khỏe tổ chức: Mức độ mà các tổ chức cho phép các cá nhân tìm kiếm, hiểu và sử dụng thông tin và dịch vụ một cách công bằng để cung cấp thông tin về các quyết định và hành động liên quan đến sức khỏe cho chính họ và những người khác.
Định nghĩa mới này nhấn mạnh khả năng của con người có thể sử dụng thông tin hơn là chỉ hiểu được thông tin; tập trung đưa ra những quyết định “được truyền thông kỹ” (“well-informed”) thay vì chỉ những quyết định thích hợp và tích hợp vào tầm nhìn y tế toàn dân.
Nhìn từ quan điểm y tế công cộng, định nghĩa HBSK tổ chức được hiểu là HBSK gắn kết với công bằng y tế (health equity), chính là đạt được mức cao nhất của sức khỏe cho mọi người.
https://www.cdc.gov/healthliteracy/learn/index.html
Hiểu biết sức khỏe bao gồm những vấn đề gì?
Ở Châu Âu, tác giả Sorensen (Sørensen et al. BMC Public Health 2012, 12:80) đã có một nghiên cứu tổng quan với 17 định nghĩa khác nhau của Health Literacy, trong đó định nghĩa của WHO (1998), của Hội Y học Hoa Kỳ (American Medical Association – 1999) và Viện Y học Hoa Kỳ (Institute of Medicine – 2004) là được y văn trích dẫn nhiều nhất và 12 khung lý thuyết mẫu bao gồm 12 chiều hướng liên quan đến hiểu biết, động lực và năng lực tiếp cận, hiểu được, lượng giá và sử dụng những thông tin có liên quan đến sức khỏe trong ba lĩnh vực của sức khỏe là chăm sóc sức khỏe (healthcare), phòng bệnh (disease prevention) và nâng cao sức khỏe (health promotion). Từ đó, tác giả đã đề nghị một mô hình tích hợp y học chăm sóc và y tế công cộng về HBSK (Hình) làm cơ sở cho việc phát triển những can thiệp nâng cao HBSK và cung cấp căn bản lý thuyết cho việc thiết kế và kiểm định các công cụ đo lường HBSK, nắm bắt những chiều hướng khác nhau của HBSH trong chăm sóc sức khỏe , phòng bệnh và nâng cao sức khỏe.
Hình (chụp từ: Sørensen et al. BMC Public Health 2012, 12:80)
Sự kết hợp bốn chiều hướng của truyền thông giáo dục sức khỏe vào trong ba lĩnh vực của sức khỏe đã cho ra 12 hướng HBSK như Bảng dưới đây:
Bảng. Ma trận bốn hướng hiểu biết sức khỏe áp dụng trong ba lĩnh vực sức khỏe
|
Tiếp cận/có được thông tin y tế |
Hiểu được thông tin y tế |
Phân tích/đánh giá thông tin y tế |
Áp dụng/sử dụng thông tin y tế |
Chăm sóc y tế |
Khả năng tiếp cận với thông tin lĩnh vực bệnh lý và lâm sàng |
Khả năng hiểu và chuyển hóa được thông tin y tế |
Khả năng diễn giả và lượng giá được thông tin y tế |
Khả năng đưa ra quyết định được thông tin đầy đủ về các vấn đề y tế |
Phòng bệnh |
Khả năng tiếp cận thông tin hay các nguy cơ đối với sức khỏe |
Khả năng hiểu và chuyển hóa được các yếu tố nguy cơ gây bệnh |
Khả năng diễn giả và lượng giá được các yếu tố nguy cơ gây bệnh |
Khả năng đưa ra quyết định được thông tin đầy đủ về yếu tố nguy cơ |
Nâng cấp sức khỏe |
Khả năng tự cập nhật các yếu tố quyết định sức khỏe trong môi trường xa hội và thể chất |
Khả năng hiểu và chuyển hóa được các yếu tố quyết định sức khỏe trong môi trường xa hội và thể chất |
Khả năng diễn giả và lượng giá được các yếu tố quyết định sức khỏe trong môi trường xa hội và thể chất |
Khả năng đưa ra quyết định được thông tin đầy đủ về các yếu tố quyết định sức khỏe trong môi trường xa hội và thể chất |
Cũng từ mô hình lý thuyết này, HBSK ngày càng được các nước Âu Mỹ quan tâm tìm hiểu, phát triển nâng tầm, đặc biệt trong kỷ nguyên số hóa (WHO: Global strategy on digital health 2020-2025 = Chiến lược toàn cầu phát triển sức khỏe số hóa giai đoạn 2020-2025), nhắm đến việc thực hiện 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs = Sustainable Deveiopment Goals) mà tất cả các nước trong Liên Hiệp Quốc đã đề ra từ năm 2015 theo Niên Lịch 2030 (Agenda 2030) với 169 đích đến; trong đó, Mục tiêu 3 là đảm bảo cuộc sồng khỏe mạnh và chất lượng cho mọi người, ở mọi lứa tuổi (https://www.who.int/europe/about-us/our-work/sustainable-development-goals).
Hiểu biết sức khỏe ở Châu Á
Năm 2004, Hiệp hội Năng lực Sức khỏe Châu Á(https://www.ahla-asia.org), một tổ chức phi chính phủ được hơn 80 viện hàn lâm và viện y học chuyên khoa ở hơn 30 quốc gia trên toàn thế giới, đặc biệt ở châu Á và châu Âu ủng hộ, được thành lập tại Geneva, Thụy Sỹ; cũng không ngoài mục tiêu tìm hiểu mức HBSK (kiến thức, hòa nhập và năng lực trong tiếp cận, hiểu biết, đánh giá và sử dụng thông tin về sức khỏe) tại Châu Á với những công cụ phù hợp với người châu Á (HLS-Asia-Q 47 và HLS-SF12 phát triển từ công cụ đánh giá HBSK của châu Âu HLS-EU-Q 47) hướng đến những nổ lực cải thiện khả năng các cơ sở dịch vụ y tế. Từ Hội nghị đầu tiên năm 2013 tại Đài Bắc – Đài Loan đến nay, Việt Nam cũng đã được tổ chức Hội nghị AHLA thường niên lần thứ IV (với sự tham gia trong nước của Trường đại học Y Hà Nội, trường đại học Y-Dược Hải Phòng, Đại học y tế công cộng Hà Nội, trường đại học Y-Dược Huế, bệnh viện Việt Đức và bệnh viện Thủ Đức), ngày 7-9 tháng 11 năm 2016 tại trường đại học Y-Dược Hải Phòng; Hội nghị lanf thứ VII, ngày 10-12 tháng 11 năm 2019 tại bênh viện Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh và trong năm 2024, Hội nghị lần thứ X sẽ được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vào những ngày 13-15 tháng 5 do Sở Y tế thành phố và trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch (với văn phòng HBSK mới mở vào tháng 8/2023 tại trường) đồng chủ trì.
Như vậy, chúng ta có thể hiểu rằng Việt Nam không thờ ơ với khài niệm mới này mà đã cùng với thế giới cam kết thực hiện nâng cao sức khỏe tại Hội nghị Toàn cầu về Nâng cao Sức khỏe lần thứ 9 tại Thượng Hải năm 2016 với ba lĩnh vực chủ yếu là quản trị tốt, hiểu biết sức khỏe (văn hóa sức khỏe) và đô thị khỏe mạnh (healthy cities). https://www.who.int/vietnam/health-topics/health-promotion
Nói là khái niệm mới nhưng thật ra chúng ta đã khá quen thuộc với những cuộc điều tra kiến thức, thái độ và thực hành (điều tra GAP) ở các nhóm người, các nhóm bệnh và các lĩnh vực khá riêng biệt cũng với mục tiêu tìm hiểu vấn đề HBSK đề đề các hướng can thiệp cụ thể và phù hợp, nhưng chưa tiếp cận với mô hình tích hợp y học chăm sóc và y tế công cộng, với việc kết hợp 4 chiều hướng HBSK vào trong 3 lĩnh vực của sức khỏe, như thế này.
Ngoài ra, Quyết định số 4858/2013/QĐ-BYT ban hành tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện, với 19 tiêu chí cho người bệnh và Thông tư 07/2014 / TT-BYT về quy tắc ứng xử của nhân viên y tế tại các cơ sở y tế; ví dụ như: “Bác sĩ thăm khám người bệnh toàn diện, lắng nghe lời kể của người bệnh và ân cần giải thích cho người bệnh hiểu rõ phương pháp điều trị cho họ” hoặc “Bác sĩ điều trị, y tá-điều dưỡng, nữ hộ sinh phụ trách bố trí thời gian hợp lý để tiếp xúc, thăm khám, giáo dục sức khỏe và hướng dẫn người bệnh thực hiện chế độ điều trị và chăm sóc”,… thật sự là sự hỗ trợ cần thiết về quản trị, giúp vượt qua những khó khăn, thách thức như “yếu tố thương mại quyết định sức khỏe, thông tin sai lệch, đặc biệt là trên mạng xã hội,..”.
Có thể nói rằng, chúng ta bắt đầu tìm hiểu về hiểu biết sức khỏe, tạo ra năng lực sức khỏe và dần hình thành văn hóa sức khỏe./.
Phạm Bá Đà – Hội Y-Dược tỉnh Kon Tum