Ngày 27/2, người bệnh A.Đ (32 tuổi) ngụ tại xã Đăk Nông huyện Ngọc Hồi vào viện trong tình trạng nổi bóng nước trên nền da lành, rải rác toàn thân, rỉ mủ máu và dịch trắng, đau rát toàn thân.
Hình ảnh người bệnh khi mới nhập viện
Người bệnh cho biết có tiền căn điều trị bệnh Pemphugus trước đó, tuy nhiên hơn 1 tháng nay đã ngưng sử dụng thuốc. Bắt đầu khoảng 2 tuần trước khi nhập viện, người bệnh xuất hiện các bóng nước dễ vỡ, trợt da trên nền da lành ở vùng da đầu, sau đó lan dần ra toàn thân, nghiêm trọng nhất là vùng cổ, lưng, ngực. Ngay khi tới Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum, người bệnh đã được thực hiện các cận lâm sàng cần thiết cho nhập viện để tiếp nhận điều trị tích cực với chẩn đoán bệnh Pemphigus nặng- bội nhiễm.
BSCKI Đinh Thị Trực – Trưởng khoa Da liễu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum cho biết: “Người bệnh vào viện trong tình trạng nặng, tiên lượng xấu. Vì vậy, chúng tôi đã phải thực hiện đồng thời nhiều phương pháp cũng như phối hợp các chuyên khoa khác để đưa ra phác đồ phù hợp cho người bệnh. Điều trị tích cực và thường xuyên theo dõi tiến triển của người bệnh trong suốt 15 ngày đầu, ghi nhận người bệnh đang đáp ứng tốt với phác đồ đưa ra”.
Hình ảnh người bệnh sau 15 ngày điều trị
Hiện tại, sức khỏe của A.Đ đã phục hồi. Người bệnh không còn cảm thấy đau rát, các tổn thương cũng đã lành. Cũng theo BS CKI Đinh Thị Trực, người bệnh có thể được ra viện trong vài ngày tới.
Pemphigus là bệnh lý thuộc nhóm bệnh da có bọng nước tự miễn, căn nguyên là do xuất hiện tự kháng thể IgG lưu hành trong máu, gây phá huỷ liên kết giữa các tế bào biểu mô sừng tạo nên hiện tượng ly gai (acantholysis), hình thành bóng nước trong lớp biểu bì da và niêm mạc. Bệnh chia nhiều thể khác nhau, trong đó Pemphigus thông thường là thể hay gặp nhất, chiếm khoảng 60 -70% tổng số các hình thái Pemphigus; nữ giới có tỷ lệ mắc nhiều hơn nam giới; tuổi trung bình mắc từ 40 – 60 tuổi.
Tổn thương trên da ở bệnh này chủ yếu là những bọng nước, phỏng nước rất dễ vỡ trên nền da bình thường, kích thước từ vài mm đến 4-5cm. Khi vỡ sẽ làm tổn thương trợt rộng, rỉ nước, dễ chảy máu diễn tiến đóng mài vàng đen dày, nứt rỉ dịch. Toàn trạng bị ảnh hưởng rất sớm, có thể gây sốt dai dẳng, có khi sốt cao thành từng đợt, nhất là khi có nhiễm khuẩn thứ phát, nguy cơ biến chứng nhiễm khuẩn huyết, rối loạn tiêu hoá, tổn thương thận, rối loạn điện giải... Các bác sĩ khuyến cáo: Bệnh Pemphigus sẽ được kiểm soát tốt nếu bệnh nhân đến khám và điều trị sớm theo chỉ định của bác sĩ, ngay khi xuất hiện những triệu chứng khởi phát đầu tiên. Việc dùng các loại lá không rõ nguồn gốc để tắm, đắp lên các vùng da tổn thương sẽ khiến tình trạng bệnh thêm trầm trọng, nguy cơ biến chứng nhiễm trùng nguy hiểm đến tính mạng; vì vậy tuyệt đối không tự ý sử dụng nếu không có chỉ định của bác sĩ./.
Hà My