GS Wang Lin-Fa thuộc trường đại học Y Duke-NUS và BS David Chien Lye từ Trung tâm Quốc gia bệnh Truyền nhiễm – Singapore nhận định: “Một vấn đề chủ chốt chưa có được câu trả lời về đại dịch, đó chính là bản chất và sự tồn tại lâu dài của đáp ứng miễn dịch bảo vệ, một điều rất quan trọng trong bối cảnh cần lượng giá nguy cơ tái nhiễm và phát triển vaccin”.
Trong nghiên cứu này, các nghiên cứu viên (NCV) đã theo dõi được 164 bệnh nhân (BN) hồi phục từ COVID-19. Các NCV đã thu thập 546 mẫu huyết tương trong suốt 180 ngày kể từ khi bắt đầu có triệu chứng để theo dõi những biến đổi của đáp ứng kháng thể trung hòa với test thử trung hòa vi rút đã được chúng nhận [Lancet Microbe 2021;doi:10.1016/S2666-5247(21)00025-2].
Năm kiểu đáp ứng kháng thể trung hòa được nhận thấy là: đáp ứng âm tính, đáp ứng nhanh mất đi, chậm mất đi, tồn lưu và kéo dài bền vững.
Trong nhóm đáp ứng âm tính (12% của 164 BN) có những người không có đáp ứng kháng thể trung hòa ở mức liều định trước 30%. Bởi những mức kháng thể trung hòa là rất biến động giữa những cá thể và ở một cá thể thì biến đổi theo thời gian, những người có huyết thanh hoàn trở lại như cũ < 180 ngày được xếp vào nhóm kháng thể nhanh mất đi (27%), những người vẫn còn kháng thể trung hoà dương tính ở mốc 180 ngày sau khi có triệu chứng đầu tiên được xếp vào nhóm kháng thể mất chậm (29%).
Nhóm tồn lưu bao gồm những người có mức ly giải tối thiểu kháng thể trung hòa kéo dài (quan sát được ở 32% trên 164 BN). Mặt khác, một nhóm rất nhỏ (2%) lại có mức kháng thể trung hòa tăng lên bất ngờ trong giai đoạn hồi phục muộn (90 đến 180 ngày sau triệu chứng đầu tiên), đó là những người có đáp ứng kéo dài bền vững.
Wang và cộng sự chỉ ra rằng: “Một vài BN trong nhóm tồn lưu và đáp ứng kéo dài đã cho thấy sự gia tăng mức kháng thể trung hòa nhiều tháng sau khi họ đã hồi phục sau căn bệnh cấp tính … vậy nên rất cần theo dõi sát điều này ở mức độ cá thể ”.
Những BN thuộc nhóm đáp ứng tồn lưu thường có kết cục lâm sàng xấu hơn và bệnh nặng hơn; nhiều BN bị viêm phổi, cần thở oxy, hỗ trợ hô hấp hoặc cần phải điều trị hồi sức tích cực.
Theo các NCV, mức độ nghiêm trọng của bệnh nặng hơn thường gắn liền với những mức cytokine gây viêm kéo dài, cho đến tận 6 tháng sau khi bắt đầu có triệu chứng, ở những BN đã hồi phục.
Thêm vào đó, những BN có mức kháng thể tồn lưu thường là người cao tuổi với nhiều bệnh nền như tăng huyết áp và đái tháo đường.
Ngược lại, các đáp ứng tế bào T lại rất tương đồng ở cả năm nhóm, cho bất kỳ kiểu hình kháng thể trung hòa nào.
Những phát hiện này, theo GS Wang và cộng sự, có ý nghĩa đối với đáp ứng miễn dịch lâu dài của tiêm phòng. Mặc dù chưa phải là lúc có thể kết luận chắc chắn về mối tương quan của mức đáp ứng kháng thể trung hòa với sinh miễn dịch bảo vệ, chúng ta đang ở một vị thế tốt hơn rất nhiều để đánh giá được động học của đáp ứng kháng thể với những dữ liệu có được từ một quần thể đã hồi phục bệnh sau hơn 6 tháng.
Cũng theo các tác giả, tỷ lệ kháng thể mất đi gợi ý tái nhiễm trong thời kỳ dịch bệnh thứ hai và về sau nữa là rất có thể xảy ra, làm giới hạn hiệu lực của chiến lược miễn dịch cộng đồng trước khi có được một vaccin có hiệu quả. Cứ xem như là sẽ có những tỷ lệ kháng thể mất đi tương tự sau khi tiêm chủng, nhất thiết chúng ta sẽ phải cần sử dụng vaccin hàng năm nhằm bảo vệ chống lại những đợt bùng phát lớn khi miễn dịch cộng đồng đã giảm xuống./.
Phạm Bá Đà – Hội Y Dược tỉnh Kon Tum lược dịch
Nguồn: “5 patterns of SARS-CoV-2 neutralizing antibody dynamics: What they mean”. Pearl Toh - 08/4/2021. MIMS – Infectiuos Diseases
https://specialty.mims.com/topic/5-patterns-of-sars-cov-2-neutralizing-antibody-dynamics--what-they-mean?channel=infectious-diseases&elq_mid=55492&elq_cid=42618