Trạm Y tế xã Pờ Y đã sơ cứu và chuyển đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi. Công tác cấp cứu được tiến hành khẩn trương, người bệnh sau can thiệp có tình trạng ổn định, được xuất viện vào sáng ngày 20/01/2023. Theo BS.CKI Nguyễn Xuân Phúc, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế huyện Ngọc Hồi cho biết: Mẫu lá rừng sử dụng trong bữa ăn của đình ông L.V.O, sống tại thôn Iệc, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi được xác định là cây Thương lục.
Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (Trang 276) của GS.TS Đỗ Tất Lợi, Thương lục còn có tên là Trưởng bất lão, Kim thất nương, tên khoa học là Phytolacca acinosa Roxb. (P. esculenta Van Houtte), là loại cây thảo sống lâu năm. Cây có chiều cao trung bình khoảng 1,5 mét. Thân cây hình trụ nhẵn, không có lông, ít phân nhánh và có màu xanh lục hoặc pha đỏ tím. Lá to, mọc so le với phiến lá hình trứng tròn, có cuống. Hai mặt lá nhẵn, chiều dài 10 – 30 cm và rộng 13 – 14 cm. Hoa thương lục có màu trắng. Cụm hoa hình chùm, gồm nhiều hoa mẫu 5, có chiều dài từ 15 – 20 cm. Rễ củ mập nhìn có nét giống củ nhân sâm. Quả mọng, có màu đỏ tím. Thương lục có các tác dụng lợi tiểu, đại tả và thùy ẩm ở phủ tạng, dược liệu này thường dùng để chữa trị thủy thũng và tà khí ở trong bụng. Bên cạnh đó, vị thuốc này còn dùng chữa cổ đau, phù nề, khó thở hoặc ngực bụng đầy trướng. Ngoài ra, có thể dùng đắp ngoài, hỗ trợ cải thiện các vấn đề liên quan đến mụn nhọt sưng đau. Thương lục có thể dùng dưới dạng thuốc đắp ngoài hoặc sắc uống. Liều sắc uống sử dụng 3 – 4 gram, có thể dùng riêng lẻ hoặc phối trộn với các loại thuốc khác. Tùy thuộc vào từng bệnh lý và tình trạng sức khỏe ở mỗi người mà Thầy thuốc có thể kê liều lượng dùng khác nhau. Còn đối với đắp ngoài, không kể liều lượng. Thương lục được sử dụng rộng rãi trong các bài thuốc Đông y. Mặc dù có tác dụng chữa nhiều bệnh lý khác nhau nhưng vì thảo dược này có chứa lượng độc tính cao, sử dụng quá liều có thể gây ngộ độc sau khi sử dụng khoảng 20 phút đến 3 giờ với các dấu hiệu như đau bụng, nôn mửa, thân nhiệt tăng, khó thở, tụt huyết áp hoặc tinh thần hoảng hốt,… Do đó, để đảm bảo an toàn sức khỏe, bệnh nhân nên sử dụng thuốc đúng liều lượng và thời gian thầy thuốc quy định.
Mẫu lá rừng được xác định là cây Thương lục do Trung tâm Y tế huyện Ngọc Hồi thu thập
Hình cây Thương lục
Theo Trung tâm Y tế huyện Ngọc Hồi và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Kon Tum nhiều khả năng các trường hợp vào tối ngày 19/01/2023 tại hộ gia đình ông L.V.O là do ngộ độc do lá Thương lục. Trung tâm Y tế huyện Ngọc Hồi đã tổ chức tuyên truyền cho gia đình và người dân trên địa bàn, đồng thời khuyến cáo người dân trên địa bàn tỉnh không trồng, không ăn cây Thương lục vào bữa ăn, không sử dụng các loài thực vật không rõ nguồn gốc, không thử hay ăn lá, rễ, thân cây lạ gây ngộ độc./.
Bạch Vân - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật