ThS.BS. Đỗ Ngọc Hòa - Phó Giám đốc Sở Y tế phát biểu tại lớp tập huấn
Về dự lớp tập huấn có các đồng chí THS.BS. Đỗ Ngọc Hòa - Phó Giám đốc Sở Y tế; PGS.Ts Nguyễn Hoàng Anh - Giám đốc DI&ADR; PGS.Ts Nguyễn Văn Đoàn - Giảng viên cao cấp trường Đại học Y Hà Nội, nguyên Giám đốc Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai cùng 80 học viên là các bác sỹ, dược sỹ, điều dưỡng làm công tác chuyên môn có liên quan đến báo cáo phản ứng có hại của thuốc và sử dụng thuốc hợp lý của các cơ sở y tế trực thuộc Sở Y tế.
Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, THS.BS Đỗ Ngọc Hòa - Phó Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh: “Hoạt động cảnh giác dược và an toàn thuốc được Sở Y tế quan tâm nhằm hướng tới mục tiêu sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, giảm thiểu chi phí y tế trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân. Ngành Y tế tỉnh có nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác dược và an toàn thuốc trong các cơ sở y tế, tập trung quản lý và theo dõi phản ứng có hại của thuốc, các sai sót liên quan đến sử dụng thuốc và các vấn đề về chất lượng thuốc”. Qua đó đồng chí đề nghị các bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng là học viên vận dụng các kiến thức được triển khai tại lớp tập huấn để kịp thời phát hiện, xử trí, dự phòng tốt các phản vệ trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.
Chương trình tập huấn cung cấp cho học viên những thông tin cơ bản và cập nhật để phát hiện, đánh giá, xử trí, dự phòng ADR và các biến cố bất lợi khác liên quan đến thuốc trong thực hành lâm sàng. Nội dung tập huấn bao gồm hai phần:
1. Phát hiện, xử trí & dự phòng phản vệ - Những điểm mới trong thông tư 51/2017/TT-BYT do PGS.TS. Nguyễn Văn Đoàn (Nguyên GĐ Trung tâm Dị ứng Miễn dịch lâm sàng - Bệnh viện Bạch Mai) trình bày.
2. Triển khai hoạt động Cảnh giác Dược trong bệnh viện: báo cáo, đánh giá quản lý và truyền thông nguy cơ liên quan đến sử dụng thuốc do PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh (GĐ Trung tâm DI & ADR Quốc gia - Đại học Dược Hà Nội) trình bày.
Trong lớp tập huấn này, học viên sẽ được đào tạo kỹ năng cơ bản trong thực hành Cảnh giác Dược thông qua một số tình huống ADR bao gồm các bước: Phát hiện, xử trí, dự phòng; được hướng dẫn cách điền và gửi báo cáo ADR tương ứng với các ca ADR trên lâm sàng.
Nhìn chung, học viên tham gia tập huấn đã cơ bản nắm được những nội dung được giảng viên truyền tải từ các khóa tập huấn về sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và Cảnh giác Dược. Như vậy, việc tăng cường nhận thức và thái độ của cán bộ y tế về Cảnh giác Dược và sử dụng thuốc an toàn thông qua đào tạo, tập huấn là một trong những yếu tố quan trọng và có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong toàn hệ thống Cảnh giác Dược. Qua khóa học này học viên đã rút ra được nhiều bài học có ý nghĩa thực tiễn liên quan đến đảm bảo sử dụng thuốc hợp lý, an toàn cho người bệnh tại cơ sở cơ sở điều trị.
Bạch Vân
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật
Một số hình ảnh tại lớp tập huấn: