Tham dự Hội nghị có PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn – Thứ trưởng Bộ Y tế; GS.TS. Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế; Thiếu tướng Nguyễn Đức Mạnh, Phó Tư Lệnh Bộ đội Biên phòng; đại diện Bộ Công an; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Thông tin và Truyền thông; đại diện lãnh đạo và chuyên viên các Cục, Vụ, Viện, Văn phòng, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế.
BSCKII. Trần Ái – Phó Giám đốc Sở Y tế dự và chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Sở Y tế tỉnh Kon Tum
Tại điểm cầu địa phương có đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Y tế, các Bệnh viện/Viện/Trường/Trung tâm Y tế dự phòng/Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các phòng/ban liên quan của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và hơn 700 điểm cầu tại tuyến huyện, thành phố thuộc tỉnh.
Tại điểm cầu Sở Y tế tỉnh Kon Tum có: BSCKII. Trần Ái – Phó Giám đốc Sở Y tế chủ trì; đại diện phòng lãnh đạo Nghiệp vụ Y, Dược Sở Y tế; lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Y Dược cổ truyền – Phục hồi chức năng; lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các khoa, phòng có liên quan.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Thời gian qua, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị chủ động trong công tác phòng chống dịch COVID-19, đến nay đã đạt được thắng lợi hết sức quan trọng. Theo số liệu báo cáo của Bộ Y tế đã qua 80 ngày, Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay tốc độ gia tăng số ca mắc ở các quốc gia, lãnh thổ trên toàn cầu rất cao. Sự lây nhiễm của dịch COVID-19 chưa có xu hướng chậm lại. Đánh giá tình hình chung của toàn cầu và trong nước, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ các nước vào Việt Nam rất lớn. Mỗi ngày, Việt Nam đều tiếp nhận người nhập cảnh, mỗi chuyến bay về đều có người nhiễm COVID-19. Trong bối cảnh đó, nếu chúng ta không quản lý, kiểm soát tốt các đối tượng nhập cảnh dịch bệnh COVID-19 có thể bùng phát bất cứ lúc nào, trong khi đó hệ thống y tế Việt Nam khó đáp ứng được với nhu cầu điều trị dịch COVID-19. Trước tình dịch bệnh phức tạp, Bộ Y tế đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong các cơ sở y tế; chính thức yêu cầu xét nghiệm COVID-19 tất cả các thực phẩm nhập khẩu hàng đông lạnh ở khu vực cửa khẩu. Từ nay đến cuối năm, có nhiều sự kiện quan trọng của Đảng, Nhà nước, Bộ, Ngành sẽ được tổ chức, do đó, công tác phòng chống dịch COVID-19 phải tăng cường ở cấp độ cao nhất.
Quang cảnh Hôi nghị tại điểm cầu Sở Y tế tỉnh Kon Tum
Tại Hội nghị này đã có nhiều báo cáo tham luận của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Tổ An toàn COVID-19 theo từng lĩnh vực cụ thể về công tác phòng chống dịch COVID-19. Ngoài ra, một số tỉnh, thành chia sẻ kinh nghiệm về các hoạt động liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19 tại địa phương, đơn vị.
Kết luận Hội nghị, Bộ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu các địa phương trong thời gian tới, công tác phòng, chống dịch bệnh trong tình hình mới được đặt trong tình trạng nghiêm ngặt với mức độ an toàn cao nhất. Các cơ sở khám, chữa bệnh duy trì thực hiện nghiêm quy trình sàng lọc, phân loại, phân luồng; đảm bảo công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện, triển khai các giải pháp không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện, đặc biệt tại khoa điều trị bệnh nhân nặng; quản lý chất thải, vệ sinh môi trường... Các đơn vị y tế dự phòng giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; tổ chức phân loại trường hợp cách ly phù hợp theo quy định ngay tại cửa khẩu; theo dõi, cập nhật tình hình sức khỏe của người nhập cảnh hằng ngày trong thời gian cách ly, giám sát y tế. Đồng thời, rà soát, kiểm tra chặt chẽ giấy xác nhận âm tính với SARS-CoV-2 với tất cả trường hợp là chuyên gia nhập cảnh từ nước ngoài vào Việt Nam. Tại các địa điểm cách ly, chính quyền địa phương phải thể hiện vai trò giám sát, đôn đốc, mạnh dạn thực hiện xét nghiệm mẫu. Chuẩn bị các tình huống xấu nhất để chủ động các phương án phòng chống dịch./.
Bạch Vân
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật