Tham gia Đoàn công tác có ThS BS Đỗ Ngọc Hòa – Phó Giám đốc Sở Y tế, lãnh đạo và viên chức Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế các huyện Kon Plông, Kon Rẫy, Tu Mơ Rông; đại diện Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông, Kon Rẫy và đại diện Ban quản lý Dự án Plan vùng Kon Tum.Tại tỉnh Lào Cai, Đoàn công tác đã trao đổi, học tập kinh nghiệm với Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lào Cai về hoạt động cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi nói chung và Mô hình chăm sóc trẻ 1.000 ngày đầu đời nói riêng; công tác chỉ đạo, giám sát và hỗ trợ kỹ thuật; việc nhân rộng Mô hình nhóm sinh kế dinh dưỡng, các sáng kiến kinh nghiệm trong chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời của trẻ; tham quan học hỏi thực tế tại xã Thanh Bình thuộc huyện Mường Khương về Mô hình “Cải thiện thực hành chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ nhỏ dựa vào cộng đồng”- Mô hình được UNICEF hỗ trợ về kinh phí và Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật.
Qua quan sát thực tiễn Câu lạc bộ hướng dẫn thực hành nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ nhỏ tại thôn Nậm Rúp, xã Thanh Bình, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, việc cho trẻ ăn dặm bằng bột dinh dưỡng được chế biến tại chỗ bằng cách tận dụng nguồn lương thực, thực phẩm sẵn có tại địa phương, để gia đình có trẻ nhỏ dễ thực hiện mà không phải mất tiền mua. Bột dinh dưỡng được chế biến bằng công thức 5/1 (500g gạo và 100g đậu rang chín bóc sạch vỏ rồi xay mịn) - đây là công thức do Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế nghiên cứu và hỗ trợ; tùy theo loại đậu (đậu nành, đậu xanh, đậu đen…) để phối trộn các loại bột phù hợp, thay đổi khẩu vị cho trẻ. Ban đầu, mỗi tháng 2 lần các bà mẹ đem thực phẩm sẵn đến Câu lạc bộ, được hướng dẫn cách chế biến bột; dùng bột này nấu cùng rau xanh, dầu ăn và thịt, trứng, tôm…cho trẻ ăn dặm. Khi đã áp dụng thành thạo bà mẹ chỉ cần đem gạo, đậu đến Câu lạc bộ để trao đổi bột và nấu tại nhà cho trẻ, thông thường lượng bột 1 lần trao đổi chỉ đủ dùng trong vòng 10-15 ngày để tránh hư hỏng.
Để duy trì và nhân rộng mô hình Câu lạc bộ tại 49 xã khó khăn trên địa bàn, ngành Y tế tỉnh Lào Cai đã tích cực tham mưu và đã được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, đầu tư kinh phí của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, sự phối hợp chặt chẽ của trưởng thôn, nhân viên y tế, chi hội phụ nữ, chi đoàn thanh niên thôn, bản và các gia đình có trẻ nhỏ; bên cạnh đó, việc lựa chọn vị trí thuận lợi để người dân dễ dàng tiếp cận và được sự hỗ trợ ban đầu của UNICEF trong việc trang bị máy xay, máy nấu sữa đậu nành, đặc biệt là nhận thức của các gia đình có trẻ nhỏ... là những yếu tố quan trọng dẫn đến sự thành công của mô hình, góp phần giảm đáng kể vào công tác phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn toàn tỉnh Lào Cai.
Sau đây là một số hình ảnh của chuyến học tập kinh nghiệmĐoàn công tác thăm và làm việc tại Trạm Y tế xã Thanh Bình, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai
Câu lạc bộ hướng dẫn thực hành nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ nhỏ cho các hội viên tại thôn Nậm Rúp, xã Thanh Bình, tỉnh Lào Cai
Hình ảnh trẻ trong Câu lạc bộ ăn bột bổ sung được chế biến từ các nguồn thực phẩm sẵn có tại địa phương
Lê Thị Hoàng Linh
Trung tâm Y tế huyện Kon Rẫy