BSCKI. Trần Đức Cảnh – Trưởng khoa Truyền thông, giáo dục sức khỏe
truyền thông tại thôn Nhơn An, xã Sa Nhơn
Tình hình dịch bệnh SXHD đang có chiều hướng gia tăng khi mùa mưa đến, Đoàn công tác của TTKSBT do BSCKI. Trần Đức Cảnh – Trưởng khoa làm Trưởng đoàn cùng với 5 viên chức khoa Truyền thông, giáo dục sức khỏe phối hợp với cán bộ y tế của Trung tâm Y tế huyện Sa Thầy và Trạm Y tế các xã: Sa Nhơn, Ya Xiêr, Sa Nghĩa và thị trấn Sa Thầy đã tuyên truyền cho người dân trên địa bàn huyện Sa Thầy về sự nguy hiểm của dịch bệnh SXHD, các dấu hiệu nhận biết, nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng và điều trị bệnh SXHD. Khi phát hiện người nghi mắc SXHD cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để khám, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà. Khuyến khích từng thành viên trong gia đình thực hiện các biện pháp phòng muỗi đốt bằng cách ngủ màn kể cả ban ngày, mặc quần áo dài, nhất là đối với trẻ nhỏ, diệt muỗi bằng vợt điện,... Cán bộ y tế hướng dẫn hộ gia đình thực hành chiến dịch
vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy
Sau các buổi truyền thông, Đoàn công tác đã hướng dẫn các hộ gia đình thực hành vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy, đổ bỏ các dụng cụ chứa nước trong nhà và xung quanh nhà, loại trừ ổ lăng quăng/bọ gậy; đối với lọ hoa, chậu cây cảnh, khay nước tủ lạnh, cọ rửa thành dụng cụ chứa nước để diệt trứng muỗi; thu dọn, phá hủy các ổ chứa nước tự nhiên hoặc nhân tạo; loại bỏ, lấp kín, chọc thủng hoặc làm biến đổi các hốc chứa nước tự nhiên; sử dụng muối hoặc nhớt thải để diệt ấu trùng muỗi tại các ổ đọng nước. Đoàn công tác đã tổ chức truyền thông cho 560 người dân tại 20 thôn của 4 xã, thị trấn nêu trên.
BSCKI. Trần Đức Cảnh đề nghị các trạm y tế chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tiếp tục chỉ đạo các thôn tổ chức hoạt động diệt lăng quăng/bọ gậy (01 ngày/lần tại các thôn đang có ổ dịch sốt xuất huyết cho đến khi kết thúc ổ dịch, 03 ngày/lần tại các thôn có nguy cơ cao và 05 ngày/lần tại các thôn còn lại); phối hợp với các ban ngành, đoàn thể xã, thị trấn tuyên truyền rộng rãi các biện pháp phòng chống bệnh SXHD thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như loa phát thanh, loa kéo… tuyên truyền, cung cấp thông tin kịp thời cho người dân, cộng đồng biết để chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh SXHD, đặc biệt công tác diệt lăng quăng/bọ gậy là yếu tố quan trọng quyết định đến kết quả phòng chống bệnh SXHD; thực hiện tốt phương châm “Không có lăng quăng/bọ gậy, không có sốt xuất huyết”./.Tin và ảnh: Dương Văn Lợt
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum