Trước khi tiến hành thảo luận, Quốc hội đã nghe bà Nguyễn Thúy Anh - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; xem video clip về kết quả giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Quang cảnh buổi thảo luận chiều ngày 29-5-2023 tại hội trường
Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Phạm Đình Thanh đánh giá Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội đã được xây dựng công phu, bao quát đầy đủ, sát vấn đề, các nhóm kiến nghị có tính khả thi cao,… Qua nghiên cứu báo cáo này và kết quả giám sát tại địa phương, đại biểu Phạm Đình Thanh cho rằng hoạt động y tế cơ sở, y tế dự phòng còn gặp nhiều khó khăn, yếu kém. Cơ chế chính sách còn bộc lộ nhiều vấn đề bất cập cần phải được nghiêm túc xem xét và sớm có giải pháp khắc phục. Chính sách đối với y tế cơ sở, y tế dự phòng hiện nay còn chưa phù hợp, số lượng nhân lực y tế cơ sở còn thấp,… Việc tuyển dụng, thu hút bác sĩ về làm việc tại các trạm y tế gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vùng miền núi, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn; nguồn nhân lực chất lượng chuyên sâu tại y tế cơ sở, y tế dự phòng thiếu, số lượng bác sĩ được đào tạo chính quy làm việc tại y tế cơ sở rất thấp (phần lớn đào tạo theo hình thức chuyên tu, liên thông); tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, thôi việc có chiều hướng gia tăng;…
Đại biểu Quốc hội Phạm Đình Thanh phát biểu
Đại biểu Phạm Đình Thanh thống nhất nội dung kiến nghị của Đoàn giám sát và đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo rà soát, trình Quốc hội ban hành các dự án Luật để bổ sung hoàn thiện quy định liên quan đến lĩnh vực y tế cơ sở, y tế dự phòng, đồng thời kiến nghị 4 vấn đề cụ thể như sau:
Thứ nhất, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung cơ chế cụ thể để bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân viên y tế nói chung, nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng nói riêng, để tương xứng với công sức của họ khi thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu và đặc thù công việc.
Thứ hai, đổi mới chính sách và phương thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng, nhất là nhân lực làm việc tại trạm y tế xã; cần tiếp tục áp dụng chính sách đào tạo cử tuyển cho vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xem xét, bổ sung đối tượng viên chức ngành Y tế công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được cử đi đào tạo trình độ đại học theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ.
Thứ ba, tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất và hỗ trợ thỏa đáng về các nguồn lực khác để y tế cơ sở đủ sức hoàn thành nhiệm vụ, nhất là đối với các đơn vị hoạt động phụ thuộc chủ yếu từ nguồn phân bổ của ngân sách nhà nước; không có, hoặc có nguồn thu khác nhưng rất hạn chế. Đồng thời, cân nhắc việc thực hiện chủ trương tinh giản biên chế đối với lĩnh vực y tế và giáo dục.
Thứ tư, xem xét, đánh giá cụ thể về hiệu quả và tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ phù hợp để sử dụng và phát huy vai trò, hiệu quả của lực lượng y tế thôn, bản trong việc chăm sóc sức khỏe người dân; vì vai trò của lực lượng y tế thôn, bản đối với công tác chăm sóc sức khỏe người dân ở vùng cao, khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là rất cần thiết, cần tiếp tục duy trì và phát huy./.
Hồ Nam
Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum