Thực tế cho thấy có rất nhiều bà mẹ ủng hộ và tin tưởng việc nuôi con bằng sữa mẹ. Tiếp xúc da kề da và bú mẹ hoàn toàn sớm sẽ giúp trẻ phát triển an toàn và khỏe mạnh. Đến nay, trên thế giới vẫn chưa phát hiện việc lây truyền COVID-19 qua sữa mẹ và việc cho con bú. Nếu trẻ mới sinh đến 6 tháng tuổi thì nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn. Khi trẻ được hơn 6 tháng, hãy tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ và cho ăn dặm bằng các thực phẩm bổ sung an toàn và lành mạnh và đúng cách. Đối với trẻ sơ sinh người mẹ đặt trẻ gần mẹ sẽ cho phép trẻ bắt đầu bú mẹ sớm hơn, điều này cũng làm giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh; đặc biệt là cho trẻ bú trong vòng một giờ đầu tiên sau khi sinh. Người mẹ đưa con đi khám bệnh
Trong trường hợp người mẹ mắc hoặc nghi ngờ mắc COVID-19 thì vẫn tiếp tục cho con bú nhưng phải thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa như: Đeo khẩu trang, rửa tay đúng cách với xà phòng và nước sạch trước và sau khi chạm vào em bé; thường xuyên làm sạch và khử trùng các bề mặt trong nhà; cần được rửa sạch vú của người mẹ trước khi cho con bú trong trường hợp người mẹ vừa ho. Nếu người mẹ cảm thấy quá mệt, kiệt sức không thể cho con bú thì cố gắng tìm những cách khác để cung cấp sữa mẹ cho con một cách an toàn bằng cách vắt sữa và cho trẻ uống bằng cốc hoặc thìa sạch. Việc vắt sữa mẹ là rất quan trọng để duy trì sản xuất sữa trong cơ thể, người mẹ có thể cho con bú trở lại khi cảm thấy đủ khỏe. Người mẹ cũng có thể cân nhắc việc xin sữa mẹ trong ngân hàng sữa mẹ gần khu vực; gọi điện đến cán bộ y tế để được tư vấn về nuôi con bằng sữa mẹ hoặc lựa chọn giải pháp an toàn hợp lý khác cho cả mẹ và con. Trong trường hợp trẻ bị bệnh, người mẹ thông báo trước cho cơ sở y tế để đưa trẻ đi khám đồng thời tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ cho dù trẻ mắc bệnh COVID-19 hay mắc bệnh khác, điều quan trọng là phải tiếp tục nuôi dưỡng con bằng sữa mẹ nhằm tăng cường miễn dịch của trẻ và các kháng thể của người mẹ được truyền cho con qua sữa mẹ, giúp trẻ chống lại các bệnh nhiễm trùng./. Dương Văn Lợt
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum