Quang cảnh buổi làm việc của Đoàn Giám sát tại Ủy ban nhân dân xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà
Xã Đăk La, huyện Đăk Hà và xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông là 2 xã đầu tiên của tỉnh Kon Tum triển khai mô hình điểm xây dựng Cộng đồng an toàn, phòng chống tai nạn thương tích từ năm 2008, đến tháng 5/2011 đã được Ủy ban nhân dân cấp huyện công nhận Cộng đồng an toàn Việt Nam. Trong đợt giám sát này, xã Đăk La đã công nhận thêm 210 Ngôi nhà an toàn và đạt tổng số 1.380 Ngôi nhà an toàn; xã Đăk Hà đã công nhận thêm 12 Ngôi nhà an toàn và đạt tổng số 641 Ngôi nhà an toàn.
Tình hình tai nạn thương tích nói chung ở 2 xã này đã giảm nhiều so với những năm trước đây. Tuy nhiên, số tử vong lại tăng từ 50-100% so với cùng kỳ năm trước (xã Đăk La có 03 trường hợp, tăng 50%; xã Đăk Hà có 02 trường hợp, tăng 100%; nguyên nhân tử vong do điện giật, đuối nước, tự tử…). Hiện nay, do thiếu nguồn lực hỗ trợ, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, cho nên đã ảnh hưởng không ít đến việc xây dựng Ngôi nhà an toàn và duy trì kết quả Cộng đồng an toàn đã đạt được.
Cũng trong đợt giám sát này, tại 02 xã nhân rộng đang xây dựng mô hình Cộng đồng an toàn, phòng chống tai nạn thương tích: Xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà và xã Tu Mơ Rông, huyện Tu Mơ Rông. Tại xã Tu Mơ Rông, có 73 trường hợp bị tai nạn thương tích (chủ yếu là tai nạn lao động với 43 trường hợp) và không có tử vong; xã Đăk Hring có 195 trường hợp bị tai nạn thương tích (chủ yếu là tai nạn giao thông với 72 trường hợp, ngộ độc 50 trường hợp) và tử vong 06 trường hợp (04 do tai nạn giao thông, 01 do tai nạn lao động, 01 do tự tử). So với cùng kỳ năm 2016, tai nạn thương tích ở xã Đăk Hring tăng 86 trường hợp, tử vong giảm 01 trường hợp. Hai xã này dự kiến đến năm 2018 sẽ làm hồ sơ đề nghị công nhận Cộng đồng an toàn. Qua giám sát, Đoàn công tác cũng đã ghi nhận những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện như chưa có kinh phí hỗ trợ các cán bộ nòng cốt đi vận động can thiệp, hỗ trợ trường học và gia đình để xây dựng Trường học an toàn và Ngôi nhà an toàn cho nên chưa hạn chế được các yếu tố nguy cơ về tai nạn thương tích.
Phát biểu tại buổi làm việc với các xã, bà Lê Thị Loan- Chuyên trách xây dựng Cộng đồng an toàn, phòng chống tai nạn thương tích của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh- đã đề nghị đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của toàn dân về nguy cơ tai nạn thương tích, xây dựng các mô hình an toàn ở cả 03 môi trường: Ngôi nhà an toàn, Trường học an toàn và Cộng đồng an toàn; tăng cường tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ nòng cốt các tuyến nhằm giảm thiểu nguy cơ tai nạn thương tích trong cộng đồng; lồng ghép vào các hoạt động của các Chương trình mục tiêu y tế, Mô hình tự quản, Xây dựng nông thôn mới, Làng sức khỏe… để đảm bảo đạt được các mục tiêu của xây dựng Cộng đồng an toàn, phòng chống tai nạn thương tích trong thời gian tới.

Quang cảnh buổi làm việc của Đoàn Giám sát tại Ủy ban nhân dân xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông

BS CKI. Nguyễn Hồ Định, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đăk Hà phát biểu tại buổi làm việc với xã Đăk Hring